Hội họa Việt Nam luôn quy tụ những tài năng kiệt xuất, đặc biệt là mỹ thuật hiện đại. Những cái tên như nhóm tứ kiệt một thời “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” đã đi sâu vào lịch sử hội họa nước nhà. Hãy cùng tìm hiểu xem họ là ai? và đâu là những họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam?
1. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993)
Nguyễn Gia Trí là người đi đầu trong việc đưa tranh sơn mài trang trí thành những tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất. Ông còn được mệnh danh là “cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”. Ông là người đã tìm ra linh hồn của tranh sơn mài truyền thống và biến chúng trở nên lộng lẫy đài các chứ không còn tầm thường. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được giới họa sĩ công nhận như những bảo vật và cấm đem ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc
Những tác phẩm chính của ông bao gồm: Thiếu nữ trong vườn, Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ bên hoa phù dung. Trong đó tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc được ghép từ 9 mảnh ván làm vóc đạt rất nhiều kỷ lục ở thời điểm đó là: kích thước lớn nhất, phối hợp nhiều chất liệu truyền thống. Tác phẩm này đã được nhà nước mua với giá 100.000 USD tương đương 600 triệu đồng thời điểm đó. Được biết họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã sáng tác Vườn xuân Trung Nam Bắc trong gần 20 năm và đây là tác phẩm cuối cùng của ông.
2. Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954)
Trong danh sách các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam không thể không nhắc đến Tô Ngọc Vân. Ông là người góp công lớn đầu tiên trong việc sử dụng tranh sơn dầu ở Việt Nam, bằng tay nghề khéo léo và tỉ mỉ ông đã lột tả được vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ qua tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ vào năm 1943.
Tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân
Kiệt tác Thiếu nữ bên hoa huệ được Tô Tử (nghệ danh của Tô Ngọc Vân) sáng tác khi đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nội dung tác phẩm mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi về phía lọ hoa huệ trắng toát. Màu sắc tác phẩm toát lên một nét buồn dịu nhẹ, điều đáng tiếc là hiện tại tác phẩm bị trôi dạt vẫn chưa rõ tung tích.
3. Họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906-1946)
Là một trong những tứ kiệt một thời là “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” ông rất đặc biệt ở điểm mặc dù thuần thục hầu hết các chất liệu như:sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, bột màu, chì than..nhưng Nguyễn Tường Lân đã sớm phá cách để đi đến phong cách nghệ thuật trừu tượng hóa.
Tác phẩm Đôi bạn của họa sĩ Nguyễn Tường Lân
Nguyễn Tường Lân tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và mở xưởng vẽ tại Hà Nội. Dù có rất nhiều những tác phẩm kiệt xuất, nhưng do loạn lạc chiến tranh nên hiện tại những tác phẩm của ông còn sót lại rất ít. Đây cũng là một phần lí do khiến hình ảnh của ông mờ nhạt trong nhóm tứ kiệt, dù Nguyễn Tường Lân là một họa sĩ kỳ tài của Việt Nam
4. Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 – 1994)
Người thứ tư trong danh sách tứ kiệt và là một trong các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam là Trần Văn Cẩn, ông là người đã gặt hái thành công ở nhiều thể loại tranh và chất liệu khác nhau. Ông cũng là người đưa sơn mài thành chất liệu hội họa nổi tiếng của dân tộc Việt Nam.
Tác phẩm Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn
“Em Thúy” là tác phẩm nổi tiếng của Trần Văn Cẩn được sáng tác vào năm 1944, được mệnh danh là đỉnh cao nghệ thuật Việt Nam. Với cách vẽ nhẹ nhàng, chân thực ông đã miêu tả một vẻ đẹp ngây thơ trong trắng lay động lòng người xem. Thần thái của nhân vật là điều được ông rất xem trọng. Trần Văn Cẩn đã để lại cho mỹ thuật nước nhà nhiều tác phẩm giàu tính nhân văn và nghệ thuật như: Em Thúy, Nữ dân quân miền biển…